Quản lý chất lượng khi đổ bê tông thương phẩm
11/08/2021
6010
Trong lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng hiện nay nói chung và xây dựng trọn gói nhà ở tại địa bàn Hà Nội nói riêng, thì hầu hết các công trình vẫn đang được thiết kế và thi công với hệ kết cấu chịu lực bằng bê tông cốt thép.
Hệ kết cấu chịu lực bê tông cốt thép của ngôi nhà là một chỉnh thể của các chi tiết móng, cột, giằng, dầm, sàn; được ví như khung xương nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Chính vì vậy, yếu tố quyết định đến độ bền vững, sự chắc chắn cũng như tuổi thọ của một công trình là ở chất lượng của công tác bê tông cốt thép. Đây được coi là một trong những công tác quan trọng bậc nhất và chiếm sự quan tâm hàng đầu của các gia chủ, các chủ đầu tư.
Sau khi hoàn tất công tác lắp ghép cốp pha cốt thép, đã đạt yêu cầu thì bước tiếp theo là tiến hành công tác đổ bê tông (chủ đạo của bài viết lần này xin được đề cập đến bê tông thương phẩm). Để đảm bảo được chất lượng bê tông đạt tiêu chuẩn cần thực hiện các công việc sau:
1/ Kiểm tra chất lượng bê tông trước khi đổ
Khi xe bê tông đến công trình, trước khi tiến hành công tác đổ cần thực hiện quá trình kiểm tra bê tông đầu vào với các nội dung như sau:
- Kiểm tra phiếu xuất kho: Khi bê tông đến công trình cần được xuất trình phiếu giao hàng (hoặc xuất kho). Thông tin đầu tiên cần kiểm tra là biển số của phương tiện vận chuyển trên phiếu với thông tin biển số xe thực tế.
Tiếp theo đó, cần kiểm tra rõ ràng các thông số kỹ thuật như: Mác bê tông, thành phần bê tông, phụ gia, ngày giờ trộn hoặc xuất xưởng (Thời gian từ lúc xuất xưởng đến khi đổ bê tông ra cấu kiện không quá 120 phút).
Phiếu giao hàng bê tông phải thể hiện đầy đủ các tin cần thiết
Xe bê tông đến công trình phải có biển kiểm soát chính xác như trên phiếu và còn nguyên kẹp chì
- Kiểm tra độ sụt, kiểm tra thành phần, nhiệt độ bê tông.
Kiểm tra độ sụt tại công trường của Thịnh Phát
Rửa bê tông để kiểm tra thành phần
- Đúc mẫu: Mỗi xe đúc 1 tổ mẫu gồm 3 khối theo quy cách 15x15x15 cm để phục vụ công tác nén mẫu thí nghiệm, kiểm tra cường độ bê tông về sau.
Đúc mẫu bê tông phải đầy đủ thông tin và có xác nhận của đầy đủ các bên
2/ Trong khi đổ bê tông
Trong quá trình diễn ra đổ bê tông, để đảm bảo chất lượng cho cấu kiện bê tông cần lưu ý các vấn đề sau:
- Quá trình đổ bê tông cần được diễn ra liền mạch và tuần tự. Lưu ý vấn đề giáp mối giữa các vùng trong một lần đổ bê tông, tránh hiện tượng vùng đổ trước bắt đầu ninh kết nhưng bê tông đổ sau chưa đến. Thời gian cho phép giữa các vùng đổ là 60 phút và tuỳ thuộc vào điều kiện thời thời tiết khi đổ bê tông.
- Đầm dùi
Khi tiến hành đổ bê tông thì cần thiết phải có công tác đầm dùi để bê tông có thể len lỏi và lấp đầy giữa các khe hở dù là nhỏ nhất của cốt thép, giúp bê tông trở nên liền khối và đặc chắc. Khi đầm dùi tại các vị trí khác nhau lại cần được lưu ý:
+ Đổ bê tông cột, vách: Cách chân 30-40 cm thì tiến hành đầm, sau đó cứ mỗi lớp 60-80cm đầm một lần; khi đầm lớp vừa đổ thì chày đầm dùi cắm vào lớp trước 20cm, đầm đến khi nước bê tông nổi lên mặt thì dừng lại.
+ Đổ bê tông sàn, dầm: Nếu chiều cao lớn thì phải đổ và đầm theo từng lớp. Với sàn bê tông thì phải kết hợp cào phẳng và đầm đều (cào đến đâu đầm đến đó).
+ Đổ bê tông cầu thang: Đây là hạng mục cần lưu ý khi đổ bê tông vì có độ dốc lớn. Khi đầm dùi phải kết hợp cào và vuốt bê tông để tránh bị chảy. Khi bê tông ổn định thì dùng búa gõ đều trên bề mặt cốp pha.
3/ Sau khi đổ bê tông
Để đảm bảo chất lượng của khối bê tông thì sau khi đổ cần thực hiện các công việc sau:
- Che chắn bề mặt bê tông: Bề mặt bê tông sau khi đổ nên được che chắn để tránh các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng gắt hoặc mưa lớn, đều gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng bê tông.
Phủ lớp nilon để bảo vệ bê tông
- Bảo dưỡng bê tông: bê tông sau khi đổ cần được giữ ẩm trong thời gian ít nhất 3 ngày về mùa ẩm và 4 ngày về mùa khô (đối với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc). Khi bề mặt bê tông đã ninh kết và đủ độ cứng, có thể dùng vòi tưới đều lên bề mặt với khoảng thời gian 3 tiếng một lần. Tham khảo tiêu chuẩn TCVN 8828:2011 về bảo dưỡng bê tông Tại đây!
Tưới nước bảo dưỡng bê tông
Xem thêm video tưới nước bảo dưỡng bê tông sàn tại công trình thực tế của Thịnh Phát tại đường dẫn: https://youtu.be/WD9q7sqwW7s
- Nghiệm thu bê tông sau khi đổ
Bên cạnh việc giám sát quá trình hình thành khối bê tông thì một trong những khâu then chốt để quản lý chất lượng bê tông sau khi đổ là công tác Nghiệm thu bê tông. Công tác này được thực hiện với các tiêu chí sau:
+ Nghiệm thu theo bản vẽ: Cấu kiện bê tông sau khi đổ phải đảm bảo đúng vị trí của kết cấu, đúng kích thước, các chi tiết đặt sẵn được quy định trong bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công.
+ Bằng trực quan: Khi quan sát bằng mắt thường, hình dạng bê tông phải đảm bảo theo hình dạng thiết kế ban đầu, không méo mó, dị dạng hoặc khuyết tật; bề mặt bê tông nhẵn phẳng, không rỗ, không có vết nứt.
Hình ảnh bê tông móng công trình Khương Đình, Thanh Xuân (năm 2023) sau khi tháo cốp pha
Bề mặt bê tông sau khi tháo cốp pha
- Nén mẫu: Sau khi các tổ mẫu được bảo dưỡng đủ tuổi, các bên tiến hành nén mẫu tại phòng thí nghiệm có đủ năng lực và chứng chỉ hành nghề. Kết quả thí nghiệm nén mẫu là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá bê tông có đạt chất lượng như đã cam kết hay không.
Thí nghiệm nén mẫu bê tông
Kết quả thí nghiệm nén mẫu bê tông
Hình ảnh công tác đổ bê tông thương phẩm tại công trình Thịnh Phát
Quý khách hàng quan tâm đến thiết kế và chi phí xây nhà trọn gói tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc vui lòng liên hệ qua email, điện thoại hoặc Zalo để được tư vấn miễn phí!
Công ty Cổ phần đầu tư và xây lắp Thịnh Phát
Hotline/Zalo: 0936262728
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.